Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích, do đó nếu sử dụng đất sai mục đích, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Vậy, sử dụng đất sai mục đích sẽ bị như thế nào? Trong bài viết này, Luật Vinco sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Cơ sở pháp lý
- Luật Đất đai năm 2013.
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013.
Thế nào là sử dụng đất sai mục đích?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất cụ thể như sau:
- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
- Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
- Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, sử dụng đất sai mục đích sẽ được hiểu là hành vi mà đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền.

Sử dụng đất sai mục đích sẽ bị xử phạt như thế nào?
Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp trái phép
Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,05 | 3 – 5 |
0,05 – 0,1 | 5 -10 |
0,1 – 0,5 | 10 – 20 |
0,5 – 01 | 20 – 40 |
01 – 03 | 40 – 80 |
Từ 03 trở lên | 80 – 160 |
Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm sang đất ở; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại khu vực nông thôn thì bị xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,1 | 10 – 20 |
0,1 – 0,5 | 20 – 40 |
0,5 – 01 | 40 – 80 |
01 – 03 | 80 – 160 |
Từ 03 trở lên | 160 – 300 |
Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
dưới 0,1 | 7 – 15 |
0,1 – 0,5 | 15 – 30 |
0,5 – 01 | 30 – 60 |
01 – 03 | 60 – 120 |
Từ 03 trở lên | 120 – 250 |
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trái phép
Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng thì có mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,5 | 2 – 5 |
0,5 – 01 | 5 – 10 |
01 – 03 | 10 – 20 |
Từ 03 trở lên | 20 – 50 |
Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,1 | 3 – 5 |
0,1 – 0,5 | 5 – 10 |
0,5 – 01 | 10 – 20 |
01 – 03 | 20 – 30 |
Từ 03 trở lên | 30 – 70 |
Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,01 | 3 – 5 |
0,01 – 0,02 | 5 – 10 |
0,02 – 0,05 | 10 – 15 |
0,05 – 0,1 | 15 – 30 |
0,1 – 0,5 | 30 – 50 |
0,5 – 01 | 50 – 80 |
01 – 03 | 80 – 120 |
Từ 03 trở lên | 120 – 250 |
Đối với chuyển đổi đất rừng
Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,5 | 3 – 5 |
0,5 – 01 | 5 – 10 |
01 – 05 | 10 – 20 |
Từ 05 trở lên | 20 – 50 |
Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Diện tích (héc ta) | Tiền phạt (triệu đồng) |
Dưới 0,02 | 3 – 5 |
0,02 – 0,05 | 5 – 10 |
0,05 – 0,1 | 10 – 15 |
0,1 – 0,5 | 15 – 30 |
0,5 – 01 | 30 – 50 |
01 – 05 | 50 – 100 |
Từ 05 trở lên | 100 – 250 |
Đất sử dụng sai mục đích sẽ bị thu hồi?
Thu hồi đất khi sử dụng sai mục đích đất cũng là vấn đề khiến rất nhiều người lo lắng. Theo điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 về các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có:
“a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;”
Theo quy định này, việc thu hồi đất trong trường hợp sử dụng đất sai mục đích khi có đủ 02 điều kiện sau:
- Điều kiện 1: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất.
- Điều kiện 2: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai 2013 cũng quy định việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Thủ tục thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích thế nào?
Căn cứ Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thu hồi đất khi sử dụng không đúng mục đích được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất
Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Bước 2: Thẩm tra, xác minh thực địa (nếu cần thiết)
Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất.
Bước 3: Thông báo thu hồi đất
Khi hộ gia đình, cá nhân vi phạm thì UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có trách nhiệm:
- Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
- Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Tiến hành thu hồi đất
Bước 5: Cưỡng chế thu hồi đất (nếu có).
Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Vinco giả đáp thắc mắc về Sử dụng đất sai mục đích sẽ bị như thế nào? Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về pháp luật đất đai quý độc giả vui lòng liên hệ:
LUẬT VINCO
Địa chỉ trụ sở chính: Phòng 4.2, tầng 4, Ô số 22-23 LK 9, tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
Địa chỉ giao dịch: Tầng 5, số 23 Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. hà Nội
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 086 968 3668
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 086 968 3668
– Email: luatvinco@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.