Quy định về chứng cứ trong tranh chấp đất đai

CÔNG TY LUẬT TNHH VINCO
 Luật VINCO
Mục lục [ Ẩn ]

     Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp diễn ra rất phổ biến hiện nay. Vì vậy, việc giải quyết những tranh chấp này là vô cùng cấp bách, việc giải quyết các tranh chấp đất này góp phần quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai. Chính vì vậy việc thu thập các chứng cứ trong tranh chấp đất đai là rất quan trọng khi giải quyết tranh chấp. Vậy chứng cứ trong tranh chấp đất đai là gì? Quy định của pháp luật về chứng cứ trong tranh chấp đất đai như thế nào? qua bài viết sau đây Luật Vinco sẽ giải đáp bạn đọc về nội dung trên.


Cơ sở pháp lý

  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
  • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Đất đai;
  • Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai;
  • Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ;

Chứng cứ là gì?

     Căn cứ theo quy định tại điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: 

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

     Căn cứ theo quy định trên thì chứng cứ được hiểu là những gì có thật, được thu thập theo trình tự thủ tục và được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ việc. Từ đây ta có thể thấy ba thuộc tính không thể thiếu của chứng cứ đó là:

  • Tính khách quan: Khách quan ở đây được hiểu là những gì có thật, tồn tại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ ai.
  • Tính liên quan: Tính liên quan ở đây là sự liên quan giữa thông tin trong chứng cứ và vấn đề cần chứng minh trong vụ việc.
  • Tính hợp pháp: Chứng cứ ở đây phải được thu thập, bảo quản, giao nộp theo đúng quy định của pháp luật.

Chứng cứ trong tranh chấp đất đai

     Chứng cứ trong tranh chấp đất đai là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức thu thập theo trình tự, thủ tục luật định dùng là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai. Chứng cứ trong tranh chấp đất đai được lấy từ những nguồn như:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  • Vật chứng.
  • Lời khai của đương sự.
  • Lời khai của người làm chứng.
  • Kết luận giám định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  • Văn bản công chứng, chứng thực.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

     Để giải quyết một vụ án tranh chấp đất đai, Tòa án cần xem xét nhiều yếu tố như: Nguồn gốc hình thành của đất; Quá trình sử dụng đất; Biến động của đất trong quá trình sử dụng... Vì vậy, chứng cứ trong tranh chấp đất đai cũng được chia thành những loại chủ yếu sau:

Chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất

     Tìm hiểu và nguồn gốc đất là tìm hiểu về việc thừa đất được hình thành như thế nào, hình thành từ thời điểm nào, từ đó xác định việc hình thành đất có hợp pháp hay không. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng khi giải quyết các vụ án về tranh chấp đất đai.

     Những chứng cứ trong tranh chấp đất đai về nguồn gốc đất được quy định tại khoản 1 điều 100 Luật Đất đai năm 2013 bao gồm những giấy tờ sau:

  • Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
  • Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
  • Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.
  • Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

     Ngoài những giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, pháp luật còn quy định những giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất như: 

  • Bằng khoán điền thổ.
  • Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
  • Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
  • Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận.
  • Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp.
  • Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành.

Chứng cứ về quá trình sử dụng đất

     Những chứng cứ xác định về quá trình sử dụng đất nhằm làm rõ: Người sử dụng đất có tôn tạo, cải tạo đất hay xây dựng gì mới làm tăng giá trị quyền sử dụng đất không. Qúa trình sử dụng đất người sử dụng đất có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước không? Có chuyển mục đích sử dụng đất; Có tách thửa, hợp thửa; Có bán bớt hay mua thêm để gộp vào vào quyền sử dụng đất sẵn có không. Tựu chung lại chứng cứ về quá trình sử dụng đất để xác định về thay đỏi của thửa đất từ thời điểm hình thành đến thời điểm hiện tại. 

     Chứng cứ trong tranh chấp đất đai chứng minh về quá trình sử dụng đất bao gồm: 

  • Hồ sơ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Tài liệu về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thừa kế, tặng cho, mua bán..... )
  • Biên lai nộp thuế sử dụng đất;
  • Giấy phép xây dựng công trình trên đất;
  • Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất; biên bản; quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dụng công trình gắn liền với đất;…
  • Lời khai, ý kiến của những hộ gia đình lân cận; tổ trưởng tổ dân phố; công chức địa chính xã/phường;

Chứng cứ chứng minh hiện trạng đất

     Hiện trạng đất bao gồm những thông tin như: Ai là người đang quản lý sử dụng đất; Đất được cấp giấy chứng nhận hay chưa? Mục đích sử dụng của đất là gì? Có tài sản trên đất không, tài sản trên đất là của ai?... Đấy là những chứng cứ để xác định thời điểm hiện tại hiện trạng của đất như thế nào.

     Chứng cứ trong tranh chấp đất đai chứng minh hiện trạng đất bao gồm: 

  • Giấy chứng nhận tại thời điểm xảy ra tranh chấp.
  • Xác nhận của UBND về hiện trạng đất.
  • Xác nhận của họ gia đình liền kề

     Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Vinco cung cấp về vấn đề chứng cứ trong tranh chấp đất đai. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về đất đai quý độc giả vui lòng liên hệ:

     LUẬT VINCO

Địa chỉ: Phòng 4.2, tầng 4, Ô số 22-23 LK 9, tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, P.Vạn Phúc, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.

Địa chỉ giao dịch: Tầng 5, số 23 Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. hà Nội

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 086 968 3668

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 086 968 3668

– Email: luatvinco@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bình chọn
Đặt câu hỏi cho luật sư

Hãy đặt câu hỏi tại đây để nhận sự tư vấn từ Luật sư của VINCO

Bình luận