Quy định pháp luật về Khiếu nại đất đai

CÔNG TY LUẬT TNHH VINCO
 Luật VINCO

Ngoài thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì người dân có quyền khiếu nại các quyết định hành chính như: Quyết định thu hồi đất, quyết định cấp sổ đỏ, quyết định đền bù, giải phóng mặt bằng... Vậy hãy cùng Luật Vinco tìm hiểu vấn đề pháp lý về: Quy định pháp luật về Khiếu nại về đất đai


Cơ sở pháp lý

  • Luật Khiếu nại 2011;
  • Luật Đất đai 2013;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Khiếu nại về đất đai. Khiếu nại đất đai là gì?

Luật Khiếu nại 2011 đã định nghĩa về khiếu nại thì khiếu nại đất đai được hiểu như sau:

Khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.


Trong trường nào cần viết đơn khiếu nại đất đai?

Khi bạn thực hiện quyền khiếu nại đất đai thì bạn cần chú ý đến các điều kiện sau:

  • Người khiếu nại tự mình thực hiện phải là người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại;
  • Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình;
  • Người khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại trong trường hợp khiếu nại thông qua người đại diện;
  • Việc khiếu nại chưa được Toà án thụ lý để giải quyết;
  • Còn thời hiệu, thời hạn khiếu nại hoặc đã hết thời hiệu, thời hạn mà có lý do chính đáng;
  • Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (điều kiện này áp dụng với trường hợp đã có quyết định khiếu nại lần 1 nhưng không đồng ý).

Trong trường hợp cùng một tranh chấp, nếu bạn muốn khiếu nại lần 2 thì bạn phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.


Ai có quyền khiếu nại về đất đai?

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. 

Người có quyền khiếu nại là người sử dụng đất; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất; người được ủy quyền cụ thể như sau:

Người sử dụng đất

  • Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
  • Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
  • Cộng đồng dân cư;
  • Cơ sở tôn giáo;
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại;
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất

  • Người nhận tặng cho quyền sử dụng đất;
  • Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) quyền sử dụng đất.
Khiếu nại về đất đai

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được liệt kê tại bảng dưới đây là những quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai phổ biến chứ không phải tất cả.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành vi hành chính về quản lý đất đai của cán bộ, công chức như: Thực hiện không đúng, chậm thực hiện, không cấp giấy chứng nhận… thì xem cán bộ, công chức đó thuộc cơ quan nào và thực hiện quyết định gì để biết được cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tương ứng với 14 loại quyết định được liệt kê tại bảng bên dưới.

Quyết định hành chính về quản lý đất đaiThẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầuThẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2
 Tên quyết địnhCơ quan thực hiện
1Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo.UBND cấp tỉnhChủ tịch UBND cấp tỉnhBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
2Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
4Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp tỉnh
5Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.UBND cấp xãChủ tịch UBND cấp xãChủ tịch UBND cấp huyện
6Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.UBND cấp tỉnhChủ tịch UBND cấp tỉnhBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
7Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
8Quyết định thu hồi đất mà trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…và đất công ích của xã, phường, thị trấn.UBND cấp tỉnhChủ tịch UBND cấp tỉnhBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
UBND cấp huyện (được ủy quyền)Chủ tịch UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp tỉnh
9Cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư.UBND cấp tỉnhChủ tịch UBND cấp tỉnhBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường (được ủy quyền)Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trườngChủ tịch UBND cấp tỉnh
10Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp tỉnh
11Sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi chuyển nhượng, tặng cho…của hộ gia đình, cá nhân.Phòng Tài nguyên và Môi trườngTrưởng phòng Tài nguyên và Môi trườngChủ tịch UBND cấp huyện
12Sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng khi chuyển nhượng của tổ chức.Sở Tài nguyên và Môi trườngGiám đốc Sở Tài nguyên và Môi trườngChủ tịch UBND cấp tỉnh
13Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau.Chủ tịch UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp huyệnChủ tịch UBND cấp tỉnh
14Quyết định giải quyết tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.Chủ tịch UBND cấp tỉnhChủ tịch UBND cấp tỉnhBộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đối tượng của khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp đất đai

Đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, cụ thể:

  • Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
  • Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
  • Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng khi làm hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nhưng quá thời hạn mà không cấp thì hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại.

  • Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
  • Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…

Hành vi hành chính về quản lý đất đai: Là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các hành vi thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện, gây khó dễ cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất…

Như vậy, đối tượng bị khiếu nại theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể từng loại quyết định, hành vi.


Thời hiệu khiếu nại về đất đai

Tại Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Như vậy, quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thì người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất không có quyền khiếu nại, trừ những trường hợp sau:

Người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì:

  • Ốm đau;
  • Thiên tai;
  • Địch họa;
  • Đi công tác, học tập ở nơi xa
  • Hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thời hạn giải quyết khiếu nại về đất đai

Thời hạn giải quyết khiếu nại là khoảng thời gian mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực hiện việc giải quyết khiếu nại. Hết thời hạn sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu

Theo Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:

  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  • Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai

Theo Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai như sau:

  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
  • Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.


Hình thức khiếu nại về đất đai

Bạn có thể khiếu nại về đất đai bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, cụ thể:

Khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại

Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ nội dung sau:

  • Ngày, tháng, năm khiếu nại;
  • Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
  • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
  • Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Lưu ý: Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Để đảm bảo hình thức và nội dung của đơn khiếu nại, bạn có thể Liên hệ đến Luật Vinco để được hỗ trợ.

Khiếu nại trực tiếp

Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trường hợp 1.


Trình tự giải quyết khiếu nại về đất đai

Khiếu nại lần đầu

Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

  • Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
  • Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyền tiếp nhận đơn.

Bước 2. Thụ lý đơn

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
  • Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
  • Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
  • Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Bước 4. Tổ chức đối thoại

  • Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
  • Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.
  • Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

  • Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
  • Người khiếu nại;
  • Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;
  • Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Khiếu nại lần hai

Bước 1. Gửi và tiếp nhận đơn: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Lưu ý: Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm:

  • Đơn khiếu nại;
  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
  • Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Nơi nộp: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai

Bước 2. Thụ lý đơn

  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai có đủ điều kiện theo mục 2.2 thì phải thụ lý giải quyết.
  • Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.

Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Bước 4. Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.

Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

  • Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
  • Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại:
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
  • Người khiếu nại;
  • Người bị khiếu nại;
  • Người giải quyết khiếu nại lần đầu;
  • Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

Địa chỉ trụ sở chính: Phòng 4.2, tầng 4, Ô số 22-23 LK 9, tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

Địa chỉ giao dịch: Tầng 5, số 23 Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. hà Nội

– Hotline Yêu cầu tư vấn: 086 968 3668

– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 086 968 3668

– Email: luatvinco@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bình chọn
Đặt câu hỏi cho luật sư

Hãy đặt câu hỏi tại đây để nhận sự tư vấn từ Luật sư của VINCO

Bình luận