Trước khi quyết định tiến hành thủ tục ly hôn, các cặp vợ chồng đã tìm hiểu, suy nghĩ thấu đáo về những vấn đề nêu trên hay chưa?
Ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến riêng bản thân những người trong cuộc mà còn cả con cái, bố mẹ hai bên và cả những người xung quanh.
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, Luật Vinco gửi tới bạn các quy định của pháp luật về ly hôn thông qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ly hôn là gì?
Ly hôn hay còn gọi là ly dị là thuật ngữ rất phổ biến hiện nay.
Điều đó thể hiện việc vợ chồng không còn tình cảm và chấm dứt mối quan hệ hôn nhân, không còn sống chung nữa.
Dưới góc độ pháp lý, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, vụ việc ly hôn phải được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền, theo thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định.
Chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết vấn đề ly hôn và ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa các cặp vợ chồng. Phán quyết này được thể hiện dưới dạng bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Tòa án sẽ dựa vào những lý do ly hôn mà đương sự cung cấp và căn cứ ly hôn theo quy định của pháp luật, xem xét tình trạng hôn nhân của vợ chồng, mục đích hôn nhân đã đến mức trầm trọng hay chưa để giải quyết cho vợ chồng ly hôn.
Trên thực tế, có thể thấy ly hôn là lựa chọn cuối cùng của các cặp vợ chồng khi những mâu thuẫn, căng thẳng gia đình không thể giải quyết được, các bên không thể chung sống cùng nhau.
Việc hai vợ chồng quyết định ly dị sẽ chấm dứt tình trạng mâu thuẫn của hai bên nam nữ, chấm dứt quan hệ ràng buộc của hai bên, mỗi bên sẽ có một cuộc sống riêng độc lập và ổn định hơn.
Hậu quả của ly hôn
Ly hôn để lại rất nhiều hậu quả, tuy nhiên có thể thấy rõ nhất chính là hậu quả về pháp lý và hậu quả về tâm lý.
Hậu quả pháp lý của ly hôn
Về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng
Theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, khi ly hôn, quan hệ hôn nhân của vợ chồng chấm dứt. Hai bên sẽ không còn là vợ chồng của nhau.
Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng sẽ đương nhiên chấm dứt.
Giữa hai bên sẽ không còn tồn tại nghĩa vụ phải thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; chấm dứt quyền đại diện cho nhau giữa vợ và chồng và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình.
Kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực pháp luật thì cá nhân đó là người độc thân.
Họ hoàn toàn có thể kết hôn lần thứ 2 với một người khác mà không phải chịu bất kỳ một sự ràng buộc pháp lý nào từ bên còn lại.
Về quan hệ tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Khi ly hôn, vấn đề chia tài sản chung vợ chồng cũng được nhiều người quan tâm và tìm hiểu.
Hai bên vợ chồng hoàn toàn có thể thỏa thuận về vấn đề chia tài sản chung vợ chồng.
Nếu không thỏa thuận được, họ có thể yêu cầu tòa án chia tài sản.
Về nguyên tắc, tài sản riêng của bên nào vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đó.
Tài sản chung vợ chồng sẽ được chia đôi, có tính đến các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
- Công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái
Việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng, không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con.
Giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Sau ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Hai vợ chồng được thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Một hậu quả của ly hôn cần lưu ý chính là việc phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn.
Theo quy định của Điều 82 luật Hôn nhân và gia đình, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Mức cấp dưỡng này do hai bên thỏa thuận.
Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án quyết định mức cấp dưỡng dựa trên quyền lợi của con và điều kiện, thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Hậu quả tâm lý của việc ly hôn
Chúng ta có thể nhìn thấy hậu quả pháp lý của ly hôn một cách dễ dàng.
Không chỉ thế, hậu quả của ly hôn còn là những ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với bản thân cặp vợ chồng cũng như con cái của họ.
Đối với cặp vợ chồng ly hôn
Tận sâu trong tâm trí mỗi bên vợ chồng chắc chắn là dư chấn tâm lý nặng nề từ cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Xét cho cùng, nguyên nhân ly hôn là do vợ chồng không thể hòa hợp, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài.
Dù cho người trong cuộc có thuận tình ly hôn hay không thì kết thúc một cuộc hôn nhân sẽ là nỗi buồn, sự cô đơn, sự hoang mang.
Những người phụ nữ sau ly hôn sẽ rất khó khăn để đối mặt với cuộc sống mới so với người đàn ông.
Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp từ nỗi thất vọng của cuộc hôn nhân tan vỡ trở thành nỗi ám ảnh, mất niềm tin vào tình yêu, vào hôn nhân.
Họ từ chối cơ hội tìm kiếm một nửa phù hợp với mình, bỏ lỡ hạnh phúc lứa đôi cho phần đời còn lại của mình.
Có lẽ chính cuộc hôn nhân không hạnh phúc đầu tiên đã làm họ e ngại, dè dặt hơn khi bắt đầu một mối quan hệ mới.
Họ lại lo sợ rằng cuộc hôn nhân sau này cũng có nguy cơ đi vào vết xe đổ như cuộc hôn nhân trước đó.
Việc bắt đầu một mối quan hệ mới mà kết quả không có gì tốt đẹp chỉ làm lãng phí thời gian và tình cảm mà thôi.
Đối với con cái
Hậu quả của ly hôn đối với con cái là rất lớn.
Từ việc con sẽ ở với ai, được nuôi dạy ra sao hay việc chúng có thể phải đối mặt với cuộc sống ngoài kia khi không nhận được sự chăm sóc đủ đầy từ cả cha và mẹ sẽ diễn ra như thế nào?
Khi ly hôn, bố mẹ sẽ có cuộc sống mới cho riêng mình.
Việc những đứa con vô tội vô tình bị bỏ rơi là điều dễ gặp.
Không ai có thể phủ nhận rằng nếu cha mẹ ly hôn, tâm lý của con cái ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Bao giờ trẻ cũng có cảm giác bị mất mát, thiệt thòi so với bạn bè bởi gia đình chúng không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn.
Có thể trẻ sẽ cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp với mọi người, ít chia sẻ và có xu hướng sống khép kín.
Có rất nhiều trường hợp, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức tính tình thay đổi, thất thường, dễ cáu gắt.
Có lẽ bởi vì trẻ không nhận được sự chăm sóc, giáo dục từ cả cha và mẹ như trước kia nữa.
Một bên cha hoặc mẹ dù có yêu thương con đến mức nào thì cũng không thể khỏa lấp chỗ trống của người còn lại trong quá trình nuôi dạy con.
Ly hôn là điều không ai mong muốn, do đó các bậc làm cha, làm mẹ hãy suy nghĩ cân nhắc về hậu quả của ly hôn trước khi đưa đến quyết định cuối cùng.
Hãy lựa chọn một cách xử sự hoàn hảo nhất để bảo vệ cuộc sống hôn nhân của chính mình và sự phát triển của các con sau này.
Làm sao để hạn chế ly hôn?
Ly hôn xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Đó có thể xuất phát từ việc vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình, một bên ngoại tình, có những bất đồng trong quan điểm sống, không chia sẻ cùng nhau những công việc của gia đình hay đơn giản là việc chưa có trách nhiệm với cuộc cuộc hôn nhân của chính mình,…
Ngoài ra, nguyên nhân ly hôn cũng có thể đến từ phía gia đình, xã hội khi vẫn còn tồn tại những quan điểm lạc hậu, cổ hủ.
Vậy làm sao để hạn chế ly hôn?
Các cặp vợ chồng cần tham khảo các biện pháp dưới đây:
Đối với bản thân cặp vợ chồng
- Nâng cao trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân
Khi quyết định lập gia đình, các bên cần ý thức được trách nhiệm cũng như vai trò của mình trong cuộc sống hôn nhân.
Trước tiên, mỗi bên phải tìm hiểu kỹ người bạn đời của mình, hoàn toàn tự nguyện và chắc chắn với sự lựa chọn của chính mình và mong muốn được ở bên người đó.
Khi đã có một tâm thế hoàn toàn sẵn sàng, tự nguyện đến với cuộc sống hôn nhân, bạn sẽ không có thái độ hời hợt, xem nhẹ cuộc hôn nhân của mình.
Bạn sẽ không phạm phải những sai lầm như việc ngoại tình hay có hành vi bạo lực gia đình với vợ con,…
- Vợ chồng thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ nhau
Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc cãi vợ, bất đồng, nhưng các bên nên biết chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
Việc vợ chồng sẻ chia công việc, giúp đỡ nhau là việc hoàn toàn có thể thực hiện được.
Chỉ khi hiểu được những khó khăn mà đối phương đang mắc phải, chúng ta mới dễ dàng cảm thông và tìm ra cách giải quyết tốt nhất khi gặp phải bất đồng.
Hơn nữa, việc vợ chồng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cũng chính là nghĩa vụ mà vợ chồng cần thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Đối với gia đình
- Thường xuyên chia sẻ, góp ý
Bản thân gia đình cũng mang một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và vấn đề ly hôn của các cặp vợ chồng.
Các bậc làm cha, làm mẹ nên quan tâm đến chuyện kết hôn của con cái mình, đóng góp ý kiến và đặt câu hỏi liệu con cái họ đã đủ lớn, có trách nhiệm và trưởng thành để lập gia đình hay chưa?
Bố mẹ là những người đi trước, có kinh nghiệm sống hơn các con.
Do đó mà bố mẹ nên đưa ra những lời khuyên, những góp ý để con mình có sự nhìn nhận đúng đắn, suy nghĩ thấu đáo, chín chắn trước khi đi đến quyết định kết hôn với một ai đó.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý không nên can thiệp quá sâu vào hôn nhân của con cái.
- Đưa ra ý kiến khách quan, phân tích đúng sai để giải quyết mâu thuẫn
Khi vợ chồng có những bất đồng thì bố mẹ lại là những người có cái nhìn khách quan hơn.
Nhiều trường hợp, bố mẹ chính là cầu nối cho các cặp vợ chồng thoát khỏi những cãi vã, mâu thuẫn trong cuộc sống.
Bố mẹ cần phân tích ai đúng, ai sai để các con hiểu chứ không nên im lặng, mặc các con muốn ly hôn thì ly hôn.
Hãy là những bậc phụ huynh thông thái, giúp đỡ con mình có được một tổ ấm hạnh phúc.
Đối với xã hội
- Tăng cường công tác giáo dục
Xã hội cũng tác động rất nhiều đến đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
Để hạn chế đi tình trạng ly hôn hiện nay, xã hội cần tăng cường các chương trình giáo dục, phổ biến về pháp luật hôn nhân gia đình đến mọi người dân.
Từ đó sẽ giúp tất cả mọi người thể nhận thức và hiểu rõ về hôn nhân gia đình, có ý thức được trách nhiệm hơn với cuộc sống hôn nhân.
Bên cạnh đó, cũng nên cung cấp đến mọi người những ảnh hưởng xấu của ly hôn đến bản thân cặp vợ chồng, con cái của họ và cộng đồng ra sao, từ đó giúp mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm với hôn nhân của mình hơn.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý về gia đình cũng nên tích cực truyền thông, phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chú trọng vào vấn đề giáo dục đời sống gia đình,… giúp mọi người ý thức hơn về vai trò của mình đối với gia đình, có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống.
- Tăng cường các biện pháp hòa giải
Đối với những trường hợp vợ chồng muốn ly hôn, mọi người xung quanh nên có những biện pháp hòa giải, cố gắng thuyết phục và khuyên răn vợ chồng suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình.
Chúng ta tuyệt đối không nên cổ súy, ủng hộ cho việc ly hôn.
Nếu mâu thuẫn của họ vẫn chưa đến mức độ phải ly hôn, thì nên kiên nhẫn, cố gắng hòa giải, giúp cặp vợ chồng suy nghĩ, bình tĩnh lại để có quyết định tốt nhất.
Cần tăng cường những biện pháp hòa giải để giúp các cặp vợ chồng có cơ hội hàn gắn, làm lại từ đầu, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trên đây là toàn bộ những thông tin do Luật Vinco giải đáp thắc mắc về Ly hôn là gì? Hậu quả ly hôn là gì?. Mọi vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về dịch vụ, thủ tục giải quyết ly hôn nhanh quý độc giả vui lòng liên hệ:
LUẬT VINCO
Địa chỉ trụ sở chính: Phòng 4.2, tầng 4, Ô số 22-23 LK 9, tiểu khu đô thị mới Vạn Phúc, P. Vạn Phúc, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
Địa chỉ giao dịch: Tầng 5, số 23 Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. hà Nội
– Hotline Yêu cầu tư vấn: 086 968 3668
– Hotline Yêu cầu dịch vụ: 086 968 3668
– Email: luatvinco@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.